Các phương pháp xử lý chất thải rắn hay các loại chất thải khác hiện nay đang mang đến những hiệu quả nhất định nhằm giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng của các loại chất thải đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Tuy vậy, những phương pháp này vẫn cần có sự đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác thải.
Sơ qua về chất thải rắn
Chất thải rắn được hiểu là các loại chất thải không thể chảy được và không có khả năng tự lưu thông trong môi trường tự nhiên. Đây là các chất thừa ra từ quá trình sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp, y tế… có dạng rắn, bán rắn hoặc lỏng nhưng được đựng trong bao bì kín.
Chất thải rắn sinh ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta tạo ra chất thải rắn từ việc nấu ăn, ăn uống, dọn dẹp… Trong công nghiệp, chất thải rắn sinh ra từ các quá trình sản xuất, chế biến và lắp ráp. Trong nông nghiệp, phế phẩm từ việc trồng trọt và chăn nuôi cũng tạo ra một lượng lớn chất thải rắn.
Chất thải rắn có thể gây ra nhiều tác hại cho môi trường và sức khỏe con người.
- Đối với môi trường, chất thải rắn có thể gây ô nhiễm đất khi được chôn lấp không đúng cách, làm giảm khả năng sinh sản của đất và gây hại cho các loài sinh vật sống trong đất. Nếu được đốt, chất thải rắn sẽ tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí.
- Đối với sức khỏe con người, việc tiếp xúc với chất thải rắn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như bệnh da liễu, bệnh hô hấp và ngộ độc. Một số chất thải rắn đặc biệt như chất thải y tế hoặc chất thải công nghiệp độc hại còn có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư hoặc các bệnh về hệ thần kinh.
Phân loại chất thải rắn
Chất thải rắn có thể được phân loại dựa trên nguồn gốc, tính chất, khả năng tái chế và mức độ độc hại. Dưới đây là một số loại chất thải rắn phổ biến:
Chất thải rắn công nghiệp
Chất thải rắn công nghiệp bao gồm các loại chất thải sinh ra từ quá trình sản xuất và chế biến trong các nhà máy, xí nghiệp. Các loại chất thải này có thể bao gồm cặn, bụi, than cốc, các loại kim loại không còn sử dụng, dầu mỡ, chất thải từ khai thác mỏ và nhiều hơn nữa.
Chất thải rắn nông nghiệp
Chất thải rắn nông nghiệp bao gồm các loại chất thải sinh ra từ việc trồng trọt và chăn nuôi. Các loại chất thải này có thể bao gồm phân, rơm rạ, vỏ cây, phế phẩm từ việc thu hoạch và chế biến nông sản.
Chất thải rắn sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt là các loại chất thải sinh ra từ hoạt động hàng ngày của con người. Các loại chất thải này có thể bao gồm đồ ăn thừa, giấy, nhựa, chai lọ, đồ dùng hỏng hóc.
Chất thải rắn đặc biệt
Chất thải rắn đặc biệt là các loại chất thải có tính chất đặc biệt như: dễ cháy, dễ nổ, phóng xạ, độc hại hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Các loại chất thải này thường xuất phát từ các ngành y tế (chẳng hạn như kim tiêm), công nghiệp (như hóa chất độc hại), năng lượng (như chất thải phóng xạ).
Hiểu rõ về từng loại chất thải rắn sẽ giúp chúng ta lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp và hiệu quả nhất.
Các phương pháp xử lý chất thải rắn
Có nhiều phương pháp xử lý chất thải rắn khác nhau, tùy thuộc vào tính chất và quy mô của chất thải. Dưới đây là một số phương pháp xử lý chất thải rắn phổ biến, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé:
Phương pháp đốt chất thải
Đốt chất thải là phương pháp được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới để xử lý các chất thải rắn nói chung. Phương pháp này được áp dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã phân loại và không thể sử dụng cho các mục đích nào khác. Việc đốt chất thải rắn sẽ tạo ra các sản phẩm có thể tích nhỏ nhất đó là tro, xỉ cùng với một vài loại khí thải sinh ra trong quá trình đốt. Tro và xỉ tạo thành sẽ được mang đi chôn lấp, còn khí thải độc hại sinh ra sẽ được đi qua các màng lọc để xử lý và thải ra ngoài môi trường loại khí không ảnh hưởng đến khí hậu.
Dù đây là một phương pháp xử lý rác thải có chi phí khá cao, nhưng tại nhiều nơi trên thế giới vẫn được chú trọng đầu tư phát triển bởi nhiệt lượng đốt rác có thể được sử dụng để chuyển hóa tạo ra điện năng quay trở lại các hoạt động của nhà máy đốt rác và các hoạt động khác trong xã hội. Phương pháp đốt rác phát điện đã được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển, nhất là những nước có quỹ đất nhỏ, không có không gian để chôn lấp rác thải. Điện rác trở thành một trong những nguồn cung cấp điện chính tại những quốc gia này.
Tại Việt Nam, điện rác vẫn chưa được đầu tư phát triển bài bản, đến nay mới chỉ có 1 nhà máy điện rác được đưa vào hoạt động là nhà máy điện rác Sóc Sơn, với công suất xử lý rác thải thuộc hàng cao so với các nhà máy khác trong khu vực, tuy nhiên, vẫn chưa đáng là bao so với lượng rác tại Việt Nam mỗi ngày. Nhiều dự án điện rác khác vẫn còn đang dang dở, chưa đi vào hoạt động.
Phương pháp chôn lấp
Chôn lấp là phương pháp phổ biến và đơn giản nhất để xử lý rác thải, rác thải sau khi phân loại và loại bỏ hết các loại vô cơ khó phân hủy sẽ được chôn trong các hố sâu, sau đó phủ lên trên bề mặt lớp đất. Trên thế giới, đây cũng là phương pháp phổ biến được áp dụng. Các chất thải rắn không thể tái chế, tro xỉ từ các lò đốt rác, chất thải rắn công nghiệp thông thường hay chất thải rắn y tế… là những loại chính được mang đi chôn lấp.
Phương pháp này sẽ chôn nén rác thải ở dưới lòng đất và kiểm soát việc phân hủy sinh học để tạo ra các sản phẩm cuối cùng là các axit hữu cơ, nito, hợp chất amon và sinh ra các khí cacbonic, metan. Phương pháp này cũng được áp dụng hiệu quả cho nông nghiệp khi các rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, thức ăn ô thiu, các phần bỏ đi của thực vật, rau củ được sử dụng làm phân bón rất hữu hiệu.
Phương pháp tái chế
Đây là một trong số các phương pháp xử lý chất thải rắn hiệu quả, được diễn ra ngay từ quá trình phân loại rác thải. Mục đích của phương pháp này là giúp tiết kiệm tài nguyên, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải như kim loại, giấy, bìa, đồ nhựa, thủy tinh. Phổ biến nhất chúng ta có thể thấy các địa điểm thu mua sắt vụn, giấy. Những loại rác thải có thể tái chế này hoặc là sẽ được sử dụng lại trong cuộc sống vào các mục đích khác nhau, hoặc sẽ được đưa đến các làng tái chế để tạo ra sản phẩm mới.
Tuy đơn giản, nhưng phương pháp này tại Việt Nam hiện còn diễn ra khá thủ công, quy mô nhỏ, thường ở mức độ hộ gia đình, khu vực nên việc thực hiện chưa được tối ưu hiệu quả.
Các phương pháp xử lý chất thải rắn và các loại chất thải khác hiện nay vẫn còn gặp nhiều hạn chế và chưa được khai thác một cách triệt để, những phương pháp xử lý mang lại giá trị quay trở lại như phương pháp đốt rác phát điện hiện vẫn còn được triển khai với quy mô quá nhỏ so với lượng rác thải ra mỗi ngày. Trong khi đó, các phương pháp khác hiện đang trở nên quá tải hay thực hiện còn ở quy mô nhỏ chưa tối ưu. Điều này khiến cho vấn đề rác thải vẫn luôn là chủ đề nóng hiện nay.
Trước thực trạng đó, cần có thêm nhiều sự quan tâm, đầu tư và nghiên cứu tối ưu các phương án xử lý rác thải, bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cũng cần nâng cao ý thức xử lý rác thải, bằng cách phân loại rác, tái chế, tái sử dụng, chi tiêu hợp lý và hạn chế tiêu thụ sản phẩm tạo ra rác thải nhựa – thứ rác phải mất đến cả trăm, thậm chí là nghìn năm mới phân hủy.